1. Công trình xanh (CTX) và Hệ thống tiêu chí đánh giá CTX
Công trình xanh (Green Building) là một phong trào xây dựng xuất hiện từ cuối thế kỷ 20 (1990 – 1995) cho tới nay, nhằm khuyến khích xây dựng các tòa nhà (Buildings):
- Thân thiện với thiên nhiên nhờ đó bảo vệ được hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống của con người; Giảm tiêu thụ năng lượng nhờ sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo, phấn đấu giảm phát thải khí CO2 đến mức 90% so với trước đây, khi đó công trình được coi là vận hành “không carbon / carbon neutral”; Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt nguồn nước và vật liệu xây dựng; Tạo môi trường sống vệ sinh, sức khỏe cho người dân, đặc biệt người dân đô thị.
Thực ra, tất cả nội dung này là mong muốn ngàn xưa của người thiết kế kiến trúc, chỉ khác là ngày nay nó càng trở nên cấp bách do hệ sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng và nguy cơ hủy diệt – một phần hoặc hoàn toàn trái đất – của Biến đổi khí hậu (BĐKH).
Trong Công trình xanh (CTX), thì vai trò Hiệu quả năng lượng – giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch – được coi trọng hàng đầu, tiếp sau là việc bảo tồn / khôi phục hệ sinh thái , bảo vệ môi trường sống.
Vì vậy, CTX được cả thế giới coi là hoạt động hiệu quả nhất của ngành xây dựng để ứng phó với BĐKH, bởi vì toàn bộ ngành xây dựng phát thải khoảng 30 – 40% khí CO2 – khí nhà kính chủ yếu gây ra BĐKH.
Vì lẽ đó, gần 100 quốc gia đã biến hoạt động này thành một Phong trào quốc gia, Chương trình hoạt động quốc gia như “Green Building Master Plan” năm 2005 – 2010 và 2010 – 2030 của Singapore hay “Chính sách trọng điểm quốc gia” (The Green Building Policy – National Major Development Plan) năm 2002 của Đài Loan [2 & 3].
Với sự phát triển và hưởng ứng của thế giới, và với những sáng tạo của người thiết kế, người xây dựng và công nghệ, CTX được coi là Cuộc Cách mạng trong lĩnh vực xây dựng thế giới (The Green Building Revolution), “Là một phần của cuộc cách mạng bền vững rộng lớn, có thể biến đổi mọi thứ chúng ta biết.
Cuộc cách mạng này làm thay đổi môi trường xây dựng bằng cách tạo ra hiệu quả năng lượng, sức khỏe, các công trình hữu ích để giảm tối thiểu tác động đáng kể của công trình lên cuộc sống đô thị và lên môi trường địa phương, khu vực và toàn cầu” như lời của ông Richard Fedrizzi, Chủ tịch Hội đồng CTX Hoa kỳ [1].
Nếu có ai hiểu phiến diện, CTX chỉ là công trình có cây xanh [4] – dù rằng cây xanh có vai trò rất quan trọng nhiều mặt trong cuộc sống – thì cũng chỉ còn là một số rất ít hiện nay.
Tại Hội nghị thượng đỉnh COP 21 Paris, 12/2015 Các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên công nhận “CTX phải và sẽ là một phần giải pháp cho BĐKH / Green Buildings must and will be part of the solution to climate change”.
Để làm được việc này, CTX cần trở thành một Phong trào (Green Building Movement) rộng khắp trong toàn lĩnh vực xây dựng thế giới. Khẩu hiệu của CTX là “10 hơn một / 10 heads are better than one”, và hàng trăm, ngàn, vạn, triệu … CTX sẽ làm thay đổi môi trường để cuộc sống con người trên thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Dù vậy, phần lớn các nước trên thế giới không đưa CTX vào quy chế hành chính bắt buộc, mà chỉ là sự đòi hỏi của xã hội với lương tâm của người thiết kế, xây dựng. Vì vậy, CTX không phải là một cuộc thi mà phải trở thành một Phong trào rộng lớn. Chứng chỉ CTX, dù là Bạch kim, vàng hay bạc không phải Giải thưởng kiến trúc, mà là vinh dự của người làm ra nó, được xã hội thừa nhận. Ngày nay trên thế giới đã có hàng chục ngàn công trình như vậy, và còn mong muốn có nhiều hơn nữa.
Để xác nhận một công trình đạt các mức độ CTX khác nhau, cần có một Hệ thống đánh giá khoa học, chuẩn xác, phù hợp với văn hóa, kinh tế, công nghệ mỗi nước. Nhưng lưu ý rằng Chứng chỉ CTX chỉ đánh giá một công trình đã xây dựng (đã đưa vào sử dụng ít nhất 2 – 3 năm) về mặt Môi trường và Năng lượng.
Điều này thấy rõ, ví dụ, trong tên Hệ thống đánh giá CTX của Anh quốc BREEAM: “Phương pháp đánh giá môi trường / Environmental Assessment Methode”, hay Hệ thống LEED của Hội đồng CTX Hoa kỳ (USGBC): “Chỉ đạo trong thiết kế về năng lượng và môi trường / Leadership in Energy and Environmental Design” và tất cả các Hệ thống đánh giá CTX khác.
Như vậy, CTX không xét công trình về mặt kiến trúc, ví dụ việc thỏa mãn công năng, thẩm mỹ, văn hóa, dân tộc hay hiện đại,… Tuy nhiên, CTX có xét đến những sáng tạo kiến trúc để đạt được thành công trong các tiêu chí về năng lượng và môi trường (thường được cộng thêm từ 5 đến 10% số điểm).
Vì vậy, không nên đòi hỏi một công trình đạt chứng chỉ CTX, dù cao nhất (Bạch kim theo LEED hay 6 sao theo Green Star của Australia) phải là mẫu mực về kiến trúc, đáng được giải thưởng về kiến trúc. Ngược lại, một công trình nhận giải thưởng kiến trúc (kể cả Kiến trúc xanh) chưa chắc đã đạt chứng chỉ cao nhất về CTX.
Quan điểm “Công trình Xanh là công trình có tính thẩm mỹ cao” [4] là sai, nhưng chắc chắn rằng “Công trình Xanh phải là công trình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất”.
Lấy ví dụ, Hệ thống tiêu chí BCA Green Mark của Singapore yêu cầu muốn được xem xét cấp chứng chỉ CTX, công trình phải đạt được tối thiểu 50 điểm, trong đó phần năng lượng phải đạt 30 điểm, đồng thời tỷ lệ điểm của phần năng lượng chiếm tới 61% trong số 190 điểm của BCA Green Mark [3].
Cũng vì vậy, không nên và không thể so sánh các Hệ thống tiêu chí đánh giá CTX với Hệ tiêu chí KTX của Hội KTS Việt Nam (sẽ đề cập ở dưới) như bài báo [4] đã làm.
2. Kiến trúc xanh và Tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội KTS Việt Nam
Sau Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazin năm 1992 thông qua Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) về Phát triển bền vững (Sustainable Development), tất cả các nước tham gia đều xây dựng Chương trình nghị sự 21 – Chương trình phát triển bền vững – của quốc gia mình, từ đó Phát triển bền vững đã trở thành cương lĩnh hoạt động trong mọi lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó Kiến trúc bền vững ra đời. Cuốn sách đầu tiên viết về kiến trúc bền vững “Sustainable Architecture” là của James Steele năm 1997. Sau khi phong trào CTX xuất hiện, danh từ Kiến trúc xanh (Green Architecture) cũng dần xuất hiện trong các ấn phẩm, như cuốn L’Architecture verte của James Wines (2000) hay Green Architecture – Advanced Technologies and Materials của Osman Attmann (2010).
Dường như Kiến trúc bền vững đã tìm thấy mục tiêu cụ thể của mình là những tòa nhà xanh, nên từ đó danh từ Kiến trúc xanh trở thành phổ biến, thay cho danh từ Kiến trúc bền vững. Khái niệm biểu tượng “Xanh” thay thế hoàn hảo cho khái niệm bền vững, được tiếp nhận rộng rãi trên khắp thế giới. Xin dẫn lời của hai tác giả nổi tiếng:
– Osman Attmann: “Xanh là khái niệm biểu tượng, bao gồm các thuật ngữ bền vững, sinh thái và hiệu suất” (2010);
– Ken Yeang: “Kiến trúc xanh hoặc kiến trúc bền vững đơn thuần là những thuật ngữ khác nhau về vấn đề thiết kế với thiên nhiên và thiết kế với môi trường” (2011).
Như vậy, ta có thể hiểu Kiến trúc xanh hay Kiến trúc bền vững là công việc thiết kế kiến trúc để góp phần tạo ra tòa nhà xanh – Công trình xanh [3]. Nội dung về CTX đã được định lượng tin cậy cụ thể bằng điểm số.
Nhưng nội dung kiến trúc còn liên quan đến văn hóa, xã hội, cộng đồng, dân tộc, thẩm mỹ và cả việc đáp ứng tốt nhất công năng của một công trình. Đánh giá một công trình đầy đủ và thỏa đáng về kiến trúc sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều.
Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản, Kiến trúc xanh của thế kỷ 21 phải chứa đựng hai yêu cầu nội dung cơ bản: Yêu cầu Kiến trúc và yêu cầu tạo ra Công trình xanh.
Kiến trúc xanh = Kiến trúc + Công trình xanh
Có lẽ vì vậy chưa có ấn phẩm nào trên thế giới bàn về “Tiêu chí Kiến trúc bền vững hay Tiêu chí Kiến trúc xanh”, mà chỉ đề ra các nguyên tắc định hướng (Chiến lược thiết kế / Design Strategies), chỉ dẫn, giải pháp thiết kế (Design Solutions), kinh nghiệm thực tế và cả công nghệ trong thiết kế kiến trúc xanh.
Tiêu chí KTX của Hội KTS Việt Nam chỉ là Tiêu chí để xét tặng giải thưởng trong một cuộc thi tổ chức hai năm một lần, nhằm tôn vinh các Tác giả và nhà đầu tư thành công trong lĩnh vực đáng khuyến khích này.
Tiêu chí KTX của Hội KTS Việt Nam yêu cầu thành công trong cả hai nội dung Kiến trúc và CTX. Một công trình dù đạt điểm cao nhất về CTX (nghĩa là về mặt năng lượng và môi trường) nhưng không đạt yêu cầu về kiến trúc (ví dụ công chúng chê “xấu”) thì không thể trao giải thưởng KTX.
Tôi tin rằng, một vài công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa được nhiều tổ chức Kiến trúc trong nước và quốc tế trao giải thưởng, chưa chắc đã đạt Chứng chỉ cao về CTX, mà vì anh đã thực hiện thành công những ý tưởng kiến trúc xuất sắc trong một số giải pháp về năng lượng và môi trường.
Vì vậy, không thể lấy tiêu chí này so sánh với các Hệ thống tiêu chí CTX [4] do sự khác nhau cả về nội dung, cả về bản chất.
Nếu như từ khi ra đời, suốt mấy thế kỷ nay, kiến trúc thế giới đã đi theo nhiều “xu hướng” khác nhau, tất cả đều vì đáp ứng các nhu cầu khác nhau của con người, thì trong thế kỷ 21, xu hướng của Kiến trúc thế giới phải là “Vì sự tồn vong của Trái đất”. Đó là Kiến trúc bền vững, Kiến trúc xanh.
Trong khi ở nước ta chưa có một phong trào CTX đúng nghĩa, thì Hội KTS Việt Nam với việc xét tặng Giải thưởng KTX hàng năm, đã đi đầu tôn vinh để động viên, khuyến khích những người làm kiến trúc xuất sắc theo hướng tạo ra CTX phù hợp với văn hóa Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Trái với xu hướng này, chúng ta sẽ tụt hậu so với thế giới.
Kết luận
Sau hơn 20 năm ra đời, CTX đã thực sự là một Phong trào lớn mạnh trên toàn cầu, đã và sẽ có đóng góp hiệu quả chống lại BĐKH và mang lại môi trường sống tốt đẹp, sức khỏe cho người dân các đô thị.
Các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh COP 21 năm 2015 đã một lần nữa khẳng định điều này. CTX cần trở thành một Phong trào tự nguyện và rộng lớn với khẩu hiệu “10 hơn một / 10 heads are better than one”. Tiếc rằng đến nay tại nước ta chưa làm được điều đó, trong khi chính chúng ta lại là một trong 5 quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH.
Chúng ta hãy chờ đợi một mô hình hợp lý và hiệu quả lãnh đạo và điều hành phong trào CTX ở Việt Nam để người làm Kiến trúc – Xây dựng nhanh chóng chung tay cùng thế giới chống lại BĐKH.
Một mô hình tương tự BCA (Building and Construction Authority) Singapore là đáng noi theo, vì đã nhanh chóng phát triển CTX ở quốc gia này ngang tầm thế giới chỉ trong khoảng 10 năm.
Kiến trúc xanh là thiết kế kiến trúc để tạo ra công trình kiến trúc đáp ứng nhiều nhất các đòi hỏi của CTX. Đó là “Văn hóa kiến trúc của thế kỷ 21” [2]. Vì vậy công việc thiết kế ngày nay cần sự hợp tác chặt chẽ, ngay từ giai đoạn khởi thảo, của KTS với các Chuyên gia các lĩnh vực xây dựng, năng lượng, môi trường – sinh thái, công nghệ, hay nói chung đó là Chuyên gia về CTX.
Hãy đừng băn khoăn định nghĩa rạch ròi giữa Kiến trúc bền vững, Kiến trúc xanh, Kiến trúc sinh thái (Ecological Architecture)… Bởi ranh giới giữa chúng rất mờ nhạt. Giải thưởng KTX của Hội KTS Việt Nam chỉ là để động viên, khuyến khích người thiết kế đi theo hướng này.
Hãy cùng chung tay hành động để Việt Nam sớm có hàng trăm, ngàn, vạn … tòa nhà đạt được Chứng chỉ CTX. Đó không chỉ là mong muốn, còn là đòi hỏi của Thế kỷ 21 đối với người làm kiến trúc – xây dựng.
Tài liệu sử dụng:
1.Jerry Yudelson. The Green Building Revolution. Island Press. 2008.
2.Phạm Đức Nguyên. Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam. NXB Trí thức. 2012. Tái bản 2015.
3.Phạm Đức Nguyên. Công trình xanh & các giải pháp kiến trúc thiết kế công trình xanh. NXB Trí thức. 2014.
4.Nguyễn Huy Khanh. Những nhận thức sai lầm về Công trình Xanh ở Việt Nam. TC Kiến trúc online. 12/2016.
5.Tòa nhà văn phòng President Place
PGS.TS Phạm Đức Nguyên